Khuất Nguyên- Trung thần nước Sở & nhà văn hóa nối tiếng Trung Hoa
Khuất Nguyên (chữ Hán: 屈原, 340 TCN – 278 TCN), tên thực Bình (平), biểu tự Nguyên (原), là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng thời Chiến Quốc thuộc nước Sở trong lịch sử Trung Quốc.
Khuất Nguyên nổi tiếng là một vị đại thần tài trí, nhân đức và chân thành. Ông đã có đóng góp rất nhiều trong việc bài trừ tệ quan liêu tham nhũng tại nước Sở thời Chiến Quốc. Đây là quãng thời gian mà Hàn, Ngụy, Sở, Tần, Tề, Triệu, Yên, bảy nước nước lớn tranh hùng.
Xuất thân trong gia đình hoàng tộc nước Sở, Khuất Nguyên ngay từ thuở nhỏ đã say mê học tập, nghiên cứu kinh sách, nuôi chí lớn phò vua giúp nước, xây dựng nước Sở hùng mạnh.
Do học rộng, tài cao, uyên thâm sử sách, Khuất Nguyên được Sở Hoài Vương mời vào kinh yết kiến và được trọng dụng làm quan trong triều.
Với khả năng nhìn xa trông rộng, Khuất Nguyên đã khuyên Sở Hoài Vương hãy liên kết với Tề để chống lại âm mưu bành trướng của Tần. Đồng thời, ông còn khuyên vua Sở tăng cường đoàn kết toàn dân, trọng dụng hiền tài, tiến hành cải cách, hạn chế đặc quyền đặc lợi của quan lại, quí tộc để nước Sở cường thịnh.
Ban đầu, vua Sở tin dùng Khuất Nguyên, phong chức quan Tả đô cho ông và còn giao cho Khuất Nguyên phụ trách viết “Hiến lệnh” nhằm thay đổi pháp chế, cải cách nước Sở.
Khuất Nguyên viết “Hiến lệnh” với ước mơ thi hành lý tưởng đề cao hiền nhân quân tử, từ bỏ kẻ xấu xa, bất tài vô dụng, làm cho dân giàu, nước mạnh.
Tuy nhiện, sự thành công của Khuất Nguyên, đặc biệt là khả năng đấu tranh với tham nhũng, khiến những quan viên khác thù ghét và ghen tị.
Họ vu khống và dựng chuyện về sự nghiệp của Khuất Nguyên, thông qua đó gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên nhà vua. Vì thế Sở vương ngày càng không nghe theo lời khuyên của Khuất Nguyên, thậm chí còn lưu đày ông.
Tuy bị lưu đày nhưng Khuất Nguyên vẫn rất lo lắng cho tình hình nước Sở.
Lúc ấy, nước Tần đã trở nên hùng mạnh và nước Sở đang lâm nguy, do vua Sở bỏ ngoài tai lời khuyên liên minh với nước Tần của Khuất Nguyên.
Không có Khuất Nguyên can ngăn, Sở vương đã thân chinh đến cuộc hội với nước Tần và bị bắt giam. Ông đã chết trong ngục tối nước Tần vài năm sau đó.
Sau khi Sở vương băng hà, con trai ông- Khoảnh Tương Vương lên ngôi. Mặc dù bị trục xuất, Khuất Nguyên vẫn vội vàng quay về nước ngay khi được triệu hồi để trợ giúp tân vương.
Khi khuyên tân vương liên minh với những nước khác để kháng Tần, Khuất Nguyên lại một lần nữa bị những vị quan khác cự tuyệt và ruồng bỏ.
Tân vương không những không nghe theo Khuất Nguyên mà còn ký kết một hiệp ước hòa bình với nước Tần.
Khuất Nguyên sau đó còn bị lưu đày đến Giang Nam (phía nam sông Dương Tử), xa hơn cả nơi trước đây lưu đày.
Tuy nhiên, Khuất Nguyên vẫn không bỏ cuộc. Ông đi khắp nơi để giảng thuyết và ghi chép những ý tưởng của mình, với ước muốn thức tỉnh nhà vua và cứu lấy nước Sở.
Năm 278 TCN, quân nước Tần đã chiếm được kinh đô nước Sở. Trước sự thực mất nước, Khuất Nguyên tuyệt vọng trầm mình tự vẫn trên dòng Mịch La vào ngày 5/5 Âm lịch.
Thi sĩ Khuất Nguyên- Lòng yêu nước ghi dấu trong từng áng thơ
Khuất Nguyên có thể được xem là nhà thơ lớn đầu tiên của Trung Quốc và là người khai thủy cho thơ phú Trung Hoa.
Sự trung thành và lòng yêu nước không lay chuyển thể hiện trong những áng văn của ông hàm chứa những lý tưởng của Khổng Phu Tử và cho đến ngày nay vẫn được xem là chuẩn mực cho giới trí thức Trung Hoa.
Văn thơ và lòng yêu nước của ông đã có tác động sâu sắc đến những người Trung Quốc thế hệ sau.
** Ly Tao- Lời tự tình của bậc quân tử tài đức vẹn toàn
Đáng tin dùng mà bị nghi ngờ, tấm lòng trung lại bị vu cáo hãm hại, bởi vậy Khuất Nguyên ôm mối ưu sầu mà sáng tác bài thơ “Ly Tao.”
Ly Tao là tác phẩm bất hủ của Khuất Nguyên, cũng là một trong những tác phẩm thi ca nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Bài thơ là lời oán thán buồn phiền của một bậc trung quân ái quốc, là áng thơ chất chứa lí tưởng cao đẹp và tinh thần bất khuất của tác giả.
Sử ký của Tư Mã Thiên đã dành hẳn một chương cho Khuất Nguyên và hẳn một phần để nói về Ly Tao:
“Thơ Quốc Phong mê sắc mà không dâm, thơ Tiểu Nhã oán trách mà không loạn. Như Ly Tao thực là gồm được cả hai. Trên kể từ Đế Cốc, dưới nói đến Tề Hoàn, giữa thuật truyện vua Thang và Vũ, chỉ trích việc đời. Nó nêu rõ tầm quan trọng của đạo đức, nguyên nhân làm nước nhà trị hay loạn, không có chuyện gì là không nói đến.
Văn ông ngắn gọn, kín đáo, chí ông trong sạch, nết ông thanh cao, tuy nói những điều vụn vặt, nhưng ý nghĩa rất rộng, việc nhắc đến tuy gần, nhưng nghĩa thì xa. Chí ông trong sạch nên hay nói đến cái hoa thơm, nết ông cao cho nên dù chết cũng không được dung nạp.
Ông thoát khỏi cái thế giới bùn lầy như con ve bỏ lốt ở nơi dơ đục, để cất mình ra khỏi đám bụi trần chẳng để cho đời làm dơ bẩn. Thật là ở bùn mà trong trắng chẳng lây đen. Suy cái chí ấy thì ông có thể thi sáng với mặt trăng, mặt trời vậy!”
** Ngư Phủ Từ- Tiếng kêu bất đắc chí của một bậc quân tử giữa xã hội nhiễu nhương
Ngoài “Ly Tao”, “Ngư Phủ Từ” là một tác phẩm nổi tiếng khác phản ánh cốt cách của Khuất Nguyên- một bậc trung quân ái quốc, một nhà Nho mẫu mực.
Tác phẩm là một cuộc vấn đáp nội tâm, được Khuất Nguyên khéo léo xây dựng như một cuộc đối thoại giữa mình với một nhân vật tượng trưng- ông lão đánh cá.
“Khuất Nguyên đến bờ sông, xõa tóc đi, ngâm nga trên bờ đầm, sắc mặt tiều tụy, hình dung khô héo. Một ông cụ đánh cá, thấy hỏi ông ta:
- Ông là quan tam lư đại phu đấy phải không? Vì sao ông đến nỗi này.
Khuất Nguyên nói:
- Tất cả đời đều nhơ đục, chỉ một mình ta trong, tất cả mọi người đều say, riêng một mình ta tỉnh, cho nên bị đuổi.
Cụ đánh cá nói:
- Người thánh nhân không khư khư ở một vật, mà biết thay đổi theo đời. Tất cả đều nhơ đục sao ông không xuôi theo dòng làm cho sóng lên cao? Tất cả mọi người đều say, sao ông không nhai bã rượu và húp rượu? Vì cớ gì lại ôm ngọc cẩn, giữ ngọc du trong người để đến nỗi bị đuổi!
Khuất Nguyên nói:
- Tôi nghe nói, khi vua gội đầu xong thì người ta phủi mũ, khi vua tắm xong thì người ta giũ áo, lẽ nào để cái thân trong trắng bị vật làm nhơ bẩn đi. Ta thà gieo mình xuống sông Tương, chôn mình trong bụng cá, lẽ nào để cái bản chất trắng ngần của ta chịu bụi bậm của đời? “
Tết Đoan Ngọ- Sự kiện gắn liền với giai thoại về sự ra đi của Khuất Nguyên
Năm 278 TCN, quân nước Tần đã chiếm được kinh đô nước Sở, Khuất Nguyên tuyệt vọng, làm bài phú “Hoài Sa” rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử .
Khuất Nguyên mất vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch, người dân nước Sở không muốn một vị đại hiền thần như Khuất Nguyên mất đi, họ dùng thuyền để tìm vớt ông. Từ đó hình thành và lưu truyền phong tục đua thuyền để tưởng nhớ Khuất Nguyên. (Theo “Kinh Sở tuế thời ký”: “Phong tục đua thuyền ngày mùng 5 tháng 5 bắt nguồn từ việc Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La bỏ mình vào ngày này, và người dân đã dùng thuyền để cứu vớt ông”).
Phong tục này đã tồn tại suốt hàng trăm ngàn năm, tựa như chí khí yêu nước của Khuất Nguyên ngàn năm như một, không hề thay đổi. Ngày nay, các thế hệ con cháu người Trung Hoa đều ghi nhớ và tưởng niệm Khuất Nguyên vào ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm.
Nguồn:
Wikipedia: Khuất Nguyên
Epoch Times Tiếng Việt: Tết Trùng Ngũ và Nhà thơ Khuất Nguyên
Tinhhoa.net: Tết Đoan Ngọ nhớ chuyện Khuất Nguyên nỗ lực bài trừ tệ quan liêu tham nhũng
Dkn.tv: Ly Tao – Khuất Nguyên, lời tự tình của bậc quân tử tài đức vẹn toàn
Sách Sử Ký- Tư Mã Thiên
Epoch Times Tiếng Việt: Hoài niệm Tết Đoan Ngọ: Tinh thần bất khuất vì nước vì dân của các bậc trung thần xưa
Ntdvn.net: Nguồn gốc và những câu chuyện thú vị về ngày Tết Đoan Ngọ
Tamnhin.trithuccuocsong.vn: Khuất Nguyên – nhà Chính trị, nhà thơ yêu nước