Lê Thánh Tông (chữ Hán: 黎聖宗 25 tháng 8 năm 1442 – 3 tháng 3 năm 1497) là vị Hoàng đế thứ tư trên danh nghĩa và thứ năm trên thực tế của vương triều Lê Sơ trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì từ năm 1460 đến khi băng hà vào năm 1497, là vị vua tại vị lâu nhất thời Lê Sơ và lâu thứ hai thời Hậu Lê.
Lê Thánh Tông được xem là bậc minh quân số một trong lịch sử Việt Nam. Thời ông trị vì với tên gọi Hồng Đức thịnh trị (洪德盛治) đánh dấu sự hưng thịnh của triều Hậu Lê nói riêng và chế độ quân chủ Việt Nam nói chung. Ông đã đưa Đại Việt trở thành bá chủ khu vực Đông Nam Á, khiến cả Trung Hoa cũng phải nể phục, các nước lân bang đều bị chấn nhiếp.
Ngoài tài năng trị quốc bẩm sinh thì thành công đó còn đến từ sự áp dụng hoàn hảo hệ tư tưởng trị quốc của Nho giáo vào tình hình nước ta.
Đại Việt sử ký toàn thư có lời bình của sử quan Nho thần đời sau về ông: “Vua lập chế độ văn vật khả quan, mở mang đất đai, thực là anh hùng tài lược, Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không hơn được”.
Trong 37 năm trị quốc, Lê Thánh Tông đã ban bố nhiều chính sách nhằm hoàn thiện bộ máy quan chế, hành chính, kinh tế, giáo dục – khoa cử, luật pháp và áp dụng Nho giáo vào việc trị an, khiến Đại Việt trở thành một quốc gia ổn định và văn minh.
Ông xây dựng một hệ thống quan liêu đồ sộ từ trung ương tới địa phương, chia đất nước làm 13 thừa tuyên, nghiên cứu hình thế núi sông và tạo ra bản đồ Hồng Đức. Ông rất chú trọng tới việc tiến cử, cất nhắc quan lại tài năng, liêm khiết và nghiêm khắc bài trừ tham nhũng, biếng nhác, phóng đãng và vô đạo đức trong giới quan chức.
Lê Thánh Tông cũng rất chú trọng phát triển giáo dục và văn hóa, qua việc mở rộng quy chế các khoa thi. Ông đặt lệ 3 năm mở 1 khoa thi lớn, cho dựng văn bia ghi tên những người thi đỗ ở Văn Miếu. Thời ông mở 12 kỳ thi lớn, lấy đỗ hơn 500 người và được sĩ phu Phan Huy Chú thời Nguyễn nhận xét: “Khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức”.
Bản thân nhà vua cũng là người ưa chuộng học vấn, thích ngâm thơ, nghiên cứu và luận bàn kinh sử Nho gia. Ước tính ông có hàng ngàn sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm, trong đó thơ chữ Hán ngày nay còn hơn 350 bài.
Với kinh tế, Lê Thánh Tông hết mực chăm lo nông nghiệp và khuyến khích dân mở chợ để đẩy mạnh trao đổi hàng hóa trong nước.
Về quân sự, nhà vua chú trọng cải tổ, huấn luyện quân đội, trực tiếp chỉ huy các cuộc bành trướng về phía Nam và Tây, cụ thể là xâm chiếm Chiêm Thành năm 1471, Lão Qua và Bồn Man năm 1479. Các cuộc chinh phạt đều thắng lợi, sáp nhập một lãnh thổ rộng lớn từ Quảng Nam đến Bình Định – cột mốc lớn trong quá trình Nam tiến của người Việt. Lê Thánh Tông giữ vững vùng đất mới chiếm bất chấp áp lực từ nhà Minh đòi ông trả đất cho Chiêm Thành. Ông cũng cứng rắn ngăn chặn các cuộc lấn chiếm biên giới của thổ quan và người dân tộc thiểu số miền núi bên nhà Minh.
Lê Thánh Tông- Sáng ngời đức khiêm cung của một vị vua
Nho giáo đề xuất tu thân, coi việc tu dưỡng bản thân là điều kiện quan trọng trước cả việc trị quốc. Với người ở trên ngôi cửu ngũ chí tôn như vua, đức khiêm cung có thể nói là rất khó thực hiện, nhưng vua Lê Thánh Tông đã chứng minh điều ngược lại.
Vị vua chỉ tự xưng Hoàng thượng, Tự hoàng, chưa dám nói đến danh hiệu Hoàng đế
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, mùa đông tháng 10, ngày 16, Đinh Hợi, [Quang Thuận] năm thứ 8 [1467], đại thần và các quan dâng biểu xin vua thêm tôn hiệu Hoàng Đế.
Vua LêThánh Tông đáp rằng,
“Trẫm chưa dám nói đến danh hiệu Hoàng đế. Đối với các khanh, trẫm xưng là Hoàng thượng, đối với Thái miếu, trẫm xưng là Tự hoàng, như thế cũng đủ khác với danh hiệu của các thân vương rồi. Những lời ấy, các khanh nên nghĩ lại. Sau này vài năm nữa, nếu thấy trên thì trời thuận, dưới thì dân yên, mưa gió điều hòa, nước lớn thân thiện, nước nhỏ sợ uy, mới có thể bàn đến tôn hiệu. Các khanh nghĩ kỹ lại xem”.
Vị vua tự mình nhận lỗi với quần thần
Năm 1467, vùng Bắc Bình ở phía Đông Bắc nước ta bị loạn lạc. Tổng binh Bắc Bình lúc ấy là Lê Hối đánh dẹp mãi không thành công, triều đình phải phái Đô đốc Khuất Đả đem quân đến để phối hợp tiễu trừ cũng bị bại trận nốt. Cả hai vị tướng vì thế mà cùng bị đem ra xét xử.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư,Hình bộ thượng thư Trần Phong xét hỏi việc của Tổng binh Bắc Bình Lê Hối. Án xong, định xét xử theo quân lệnh, vì thấy Hối có công, xin cho theo luật bát nghị.
Đỗ ngự sử Trần Xác nói:
“Hối đã giao cho pháp ty xét hỏi, nên theo luật bát nghị. Chỉ có tội đại ác, phản nghịch
mới không được nghị xét thôi, chưa bao giờ thấy phạm pháp mà không nghị xét cả”.
Vua dụ Xác rằng: “Quân pháp chỉ có một chứ không có hai, lời Xác nói thế là đã tách làm hai đấy, hoàn toàn không phải là bàn về quân pháp, chỉ là lời du thuyết mà thôi, nên trị hắn về tội du thuyết”.
Không bao lâu, vua lại dụ Xác rằng:
“Ta vu oan nhà ngươi là kẻ du thuyết, đó là ta lỡ lời. Ngươi có mưu kế gì hay, cứ vào nói với ta, để như cơn mưa ngọt khi đại hạn, như con thuyền lúc cần qua sông. Hãy kính nhớ lấy”
Vị vua mong nghe lời can gián để tự sửa mình
Nếu người Trung Hoa tự hào thời Trinh Quán có vua Đường Thái Tông biết nghe lời can gián mà trở thành minh quân, tạo ra thời thịnh thế cho nhà Đường thì người Việt Nam cũng có quyền tự hào về vua Lê Thánh Tông, một vị anh quân cũng rất giỏi nghe lời khuyên can.
Tương truyền thời Lê Thánh Tông sau khi nhà vua dụ bảo và khuyến khích đình thần dâng lời can gián thì việc này đã trở thành một nề nếp rất hay.
Từ đó mới có những vị quan đại thần mẫu mực đến lúc sắp mất vẫn thảo sớ can ngăn vua, có những anh lính thấp cổ bé họng vì lòng trung mà can đảm dám can vua, còn lưu lại giai thoại trong sử cho đến ngày nay.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Quốc tử giám tế tửu kiêm Văn minh điện đại học sĩ Nguyễn Bá Kỳ, cho rằng vua làm văn không chú ý tới kinh, sử, dâng sớ khuyên can.
Vua dụ rằng:
“Trẫm vừa xem hết tờ sớ, ngươi bảo là trẫm không chú ý kinh, sử, lại chuộng lối học phù hoa, vô dụng, chỉ ngụ ý ở ngoài mây khói. Nếu ta ưa chuộng văn hoa, không lấy gốc kinh, sử, thì còn sách nào nữa? Ta tự xét mình, xét lời ngươi nói, thì trong bốn chữ “phù hoa vô dụng” kia, thực đã gồm cả lòng trung rồi, thế mà ta lại làm văn mà biện lại, thì ta thực có lỗi. Lúc ấy, ngươi đã kịp thời can ngăn, chẳng vì thế mà giữ ý”.
Khi Bá Kỳ chết, vua sai Tư lễ giám quan Phạm Hổ đem sắc đến dụ rằng:
“Ngươi thờ vua trung thành, giữ mình chính trực, sớm tối ở bên ta, nay đã được 6 năm, lúc thoi thóp rồi mà lòng trung vẫn mãi chưa thôi!”.
Lê Thánh Tông- Những chính sách trị quốc mang dấu ấn của một vị vua anh minh
Thời Lê Thánh Tông là một thời đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử. Dưới thời đại của ông, “đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi”.
Trước đây, khi vua Lê thánh Tông (1460-1497) mới lên ngôi, đất nước chìm trong quốc nạn tham nhũng, tướng sĩ thì lo hưởng lạc; quan lại chia bè phái và tham nhũng; người dân đói khổ oán thán.
Đất nước đạt được thịnh trị là do một loạt các chính sách hợp lý bao quát các mặt quan trọng trong xã hội do Lê Thánh Tông đưa ra.
Bổ sung & hoàn thiện bộ luật Hồng Đức
Nhìn nhận rằng nạn tham nhũng là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự loạn lạc của quốc gia, Lê Thánh Tông đã bổ sung hoàn thiện bộ luật Hồng Đức, nhằm tăng sức mạnh chống tham nhũng cho bộ luật này.
Dưới thời của ông, việc chống tham nhũng được tiến hành từ các quan to đầu triều xuống tận đến địa phương. Trong 722 điều bộ luật Hồng Đức thì có trên 40 điều thuộc về chống tham nhũng.
Khuyến khích nông nghiệp, cấm lạm dụng tửu sắc
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vào Mùa xuân, tháng giêng, Quý Tỵ, Hồng Đức năm thứ 4 [1473], vua ra sắc chỉ cho quan viên và trăm họ rằng:
“Kể từ nay, trong nhà không làm cỗ thết khách thì không được chè chén, người vợ không phạm tội thì không được ruồng bỏ. Kẻ nào dám rượu chè bừa bãi, gia đạo không nghiêm, kẻ nào không có mối lái mà dám vụng trộm tư thông thì phải trị tội”.
Thi hành chính sách khuyến khích tiến cử nhân tài nghiêm khắc và sáng suốt
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vào năm Đinh Hợi, [Quang Thuận] năm thứ 8 [1467], vua sai triều thần tiến cử chức quan huyện cương trực biết trị kẻ gian tà, mỗi người một cử viên.
Sau khi xem tờ tâu, vua phê rằng:
“Lục bộ, Lục khoa và Ngự sử đài mà tiến cử bậy thì chịu tội giáng hay bãi chức. Nếu tiến cử được người giỏi thì nhất định sẽ được trọng thưởng”.
Sau khi vua sai nội quan đưa cho đình thần xem, không ai không kinh hãi vì vua xét người rất sáng suốt.
Thưởng phạt phân minh đối với các quan thi hành việc tư pháp, xử án
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, năm Ất Dậu, [Quang Thuận] năm thứ 6 [1465], vua ra lệnh chỉ cho các quan nắm việc kiện tụng rằng:
“Nên xét định ngay các đại phu ở Ngũ hình viện, người nào xử kiện không có oan uổng thì ghi thành một hạng, người nào bình thường ghi thành một hạng, người nào hèn kém thì ghi thành một hạng, tâu trình lên. Hạng không có oan uổng thì khen thưởng, hạng bình thường thì giữ lại làm việc, hạng hèn kém thì bổ chức Chuyển vận”
Lê Thánh Tông- Vị vua mang ý thức bảo vệ quốc gia sâu sắc & áp dụng binh pháp quân sự siêu phàm
Thời Lê Thánh Tông nổi tiếng với các chiến công mở rộng lãnh thổ và bắt lân bang quy phục. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ lãnh thổ của Lê Thánh Tông còn ghi trong sử sách như một lời răn dạy cho hậu thế về sự quan trọng của việc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vào năm Quý Tỵ, Hồng Đức năm thứ 4 [1473], Vua dụ bọn thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng:
“Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”
Những chiến dịch của vua Lê Thánh Tông đều vô cùng thành công không chỉ nhờ vào chiến pháp mà còn nhờ sự chuẩn bị vô cùng chu đáo mọi mặt của quân đội.
Bước đầu là rèn tập binh sĩ, củng cố quốc phòng từ căn bản cho đến các quy định dành cho tướng sĩ, bảo đảm quân đội luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao.
Về thủy trận thì có những đồ pháp như: Trung hư, Thường sơn xà, Mãn thiên tinh, Nhạn hàng, Liên châu, Ngư đội, Tam tài hành, Thất môn, Yển nguyệt.
Về bộ trận thì có những đồ pháp như: Trương cơ, Tương kích, Kỳ binh. Lại ban 31 điều quân lệnh về thủy trận, 22 điều về tượng trận, 27 điều về mã trận, 42 điều về kinh vệ bộ trận.
Và kết quả của sự chuẩn bị dài hơi đó là những chiến công vang dội khi tung quân sĩ bình định bốn phương, đến tận ngày nay hơn 500 năm vẫn chưa lần nào quân đội Đại Việt lập lại kỳ tích như thế.
Nguồn:
Vua Lê Thánh Tông và những giai thoại tu thân, tề gia, trị quốc (Phần 1)
Ý thức bảo vệ quốc gia và binh pháp siêu phàm của Lê Thánh Tông (Phần 2)
Câu chuyện về ngôi làng bình yên: ‘Ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa’.
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư