Ngũ Kinh (五經 Wǔjīng) là năm quyển kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo. Theo truyền thuyết, năm quyển này đều được Khổng Tử soạn thảo hay hiệu đính. Sách kinh điển gồm hai bộ: Ngũ Kinh và Tứ Thư.
Năm quyển Ngũ Kinh gồm có: Kinh Thi (詩經 Shī Jīng), Kinh Thư (書經 Shū Jīng), Kinh Lễ (禮記 Lǐ Jì), Kinh Dịch (易經 Yì Jīng), Kinh Xuân Thu (春秋 Chūn Qiū).
Kinh Thi
Kinh Thi (詩經 Shī Jīng) Là một bộ tổng tập thơ ca vô danh của Trung Quốc với các bài thơ trong Kinh Thi được sáng tác trong khoảng thời gian 500 năm, từ đầu thời Tây Chu (tk 11–771 TCN) đến giữa thời Xuân Thu (770–476 TCN), gồm 311 bài thơ.
Kinh Thi được Khổng Tử san định thành 300 thiên nhằm giáo dục mọi người tình cảm trong sáng lành mạnh và cách thức diễn đạt rõ ràng và trong sáng.
Trong thời Chiến Quốc, Kinh Thi được coi là “sách giáo khoa” toàn xã hội, luôn được các học giả truyền tụng, học tập với phương châm “Không học Thi thì không biết nói” (bất học Thi, vi dĩ ngôn – Khổng Tử).
Trong sự kiện đốt sách của nhà Tần, Kinh Thi bị mất mát rất nhiều, sau đó mới được sưu tầm và khôi phục qua công sức của nhiều học giả từ đời Hán trở đi.
Kinh Thi chia làm ba bộ phận lớn là Phong, Nhã và Tụng. Nguồn gốc các bài thơ trong Kinh Thi khá phức tạp, gồm cả ca dao, dân ca và nhã nhạc triều đình, với các tác giả thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đương thời. Từ ca dao, dân ca được ghi chép lại thành văn rồi thành kinh điển, Kinh Thi đã trải qua quá trình sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn công phu.
Kinh Thi được ví như một bức tranh miêu tả toàn cảnh về xã hội đương thời, từ lịch sử, phong tục tập quán, tình trạng xã hội và chế độ chính trị của Trung Quốc thời Chu cho đến sông núi, cây cỏ, chim thú…
Do đó, Kinh Thi được coi là nền tảng cho khuynh hướng hiện thực của văn học Trung Quốc. Nghệ thuật của Kinh Thi cũng rất đặc sắc, nhất là phương pháp “phú”, “tỉ”, “hứng” và lối trùng chương điệp ngữ rất có ảnh hưởng đến đời sau.
Kinh Thi là một kiệt tác văn học giàu tính sáng tạo cả về nội dung và hình thức. Khuynh hướng tư tưởng và phong cách nghệ thuật Kinh Thi đều ảnh hưởng sâu xa đến văn học đời sau. Toàn bộ lịch sử văn học Trung Quốc phát triển dưới sự khơi gợi của tinh hoa Kinh Thi.
Bên cạnh đó, Kinh Thi còn là tài liệu giáo dục quan trọng của Nho sĩ Trung Quốc, trở thành giáo trình chính trị – luân lý cho toàn bộ Nho sĩ trong xã hội Trung Quốc suốt hai nghìn năm phong kiến.
Kinh Thư
Kinh Thư (書經 Shū Jīng) hay còn gọi là Thượng Thư (尚書) là một bộ phận trong bộ sách Ngũ Kinh của Trung Quốc, ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
Khổng Tử san định lại để các ông vua đời sau nên theo gương các minh quân như Nghiêu, Thuấn chứ đừng tàn bạo như Kiệt, Trụ.
Nội dung Kinh Thư chủ yếu là ghi chép lại lời nói của vua tôi thời thượng cổ (Nghiêu, Thuấn) cho đến thời nhà Hạ, nhà Thương và thời Tây Chu.
Từ khi Hán Vũ Đế bắt đầu đặt chức Ngũ kinh bác sĩ, địa vị của Kinh Thư không hề thay đổi. Quá trình biên soạn, chỉnh lý và lưu truyền của Kinh Thư cực kỳ phức tạp, trong lịch sử xuất hiện quá nhiều văn bản có bố cục, nội dung và thể chữ khác nhau, một bộ phận được các học giả trong triều đình tổ chức chỉnh lý, hiệu đính và ban hành thành bản chính thức.
Văn bản Kinh Thư ngày nay chủ yếu xuất hiện vào thời Đông Tấn, nguồn gốc của nội dung một số thiên trong văn bản này bắt đầu bị nghi ngờ từ thời Nam Tống. Đến đầu thời nhà Thanh, một số thiên trong Kinh Thư bị các học giả như Diêm Nhược Cừ xác định là giả (ngụy thư), thậm chí bị loại bỏ ra khỏi Kinh Thư.
Kinh Lễ
Kinh Lễ hay còn gọi là Lễ ký (tiếng Trung: 禮記 Lǐ Jì) là một quyển trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử, tương truyền do các môn đệ của Khổng Tử thời Chiến quốc viết, ghi chép các lễ nghi thời trước. Lễ ký cùng với Chu lễ và Nghi lễ được gọi chung là Tam lễ.
Khổng Tử hiệu đính lại Kinh Lễ mong dùng làm phương tiện để duy trì và ổn định trật tự. Khổng Tử nói: “Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời”.
Kinh dịch
Kinh Dịch (giản thể: 易经; phồn thể: 易經) là bộ sách kinh điển của nước Trung Hoa và văn hóa của quốc gia này, là một trong “Ngũ Kinh” của Trung Hoa, là một hệ thống tư tưởng triết học của người Trung Quốc cổ đại. Tư tưởng triết học cơ bản dựa trên cơ sở của sự cân bằng thông qua đối kháng và thay đổi (chuyển dịch).
Ban đầu, Kinh Dịch được coi là một hệ thống để bói toán, nhưng sau đó được phát triển dần lên bởi các nhà triết học Trung Hoa. Cho tới nay, Kinh Dịch đã được bổ sung các nội dung nhằm diễn giải ý nghĩa cũng như truyền đạt các tư tưởng triết học cổ Á Đông và được coi là một tinh hoa của cổ học Trung Hoa. Nó được vận dụng vào rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống như thiên văn, địa lý, quân sự, nhân mệnh..
Ý nghĩa của tiêu đề “Kinh Dịch”
Kinh (經 jīng) có nghĩa là một tác phẩm kinh điển, trong tiếng Hoa có gốc gác từ “quy tắc” hay “bền vững”, hàm ý rằng tác phẩm này miêu tả những quy luật tạo hóa không thay đổi theo thời gian.
Dịch (易 yì) có nghĩa là “thay đổi” của những thành phần bên trong một vật thể nào đó mà trở nên khác đi.
Khái niệm ẩn chứa sau tiêu đề này là rất sâu sắc. Nó có ba ý nghĩa cơ bản có quan hệ tương hỗ như sau:
- Bất dịch – bản chất của thực thể. Vạn vật ở tại trong vũ trụ là luôn thay đổi, tuy nhiên trong những thay đổi đó luôn luôn tồn tại nguyên lý bền vững – quy luật trung tâm – là không hề đổi theo không gian và thời gian.
- Biến dịch – hành vi của mọi thực thể. Vạn vật trong vũ trụ là liên tục thay đổi. Nhận thức được điều này con người có thể hiểu được tầm quan trọng của sự mềm dẻo trong cuộc sống và có thể trau dồi những giá trị đích thực để có thể xử sự trong những tình huống khác nhau.
- Giản dịch – thực chất của mọi thực thể. Quy luật nền tảng của mọi thực thể trong vũ trụ là hoàn toàn rõ ràng và đơn giản, không hề cần biết là biểu hiện của nó là khó hiểu hay phức tạp.
Tóm lại:
Vì biến dịch, cho nên có sự sống.
Vì bất dịch, cho nên có trật tự của sự sống.
Vì giản dịch, nên con người có thể qui tụ mọi biến động sai biệt thành những quy luật để tổ chức đời sống xã hội.
Lịch sử phát triển của Kinh Dịch
- Truyền thuyết nói rằng Kinh Dịch bắt đầu ra đời từ vua Phục Hy, lúc ấy Hoàng Hà có con long mã hiện hình lưng nó có khoáy thành đám, từ một đến chín, vua Phục Hy coi những khoáy đó, mà hiểu được lẽ biến hóa của vũ trụ, mới đem lẽ đó vạch ra thành nét.
Đầu tiên vạch một nét liền (tức là vạch lẻ), để làm phù hiệu (tượng trưng) cho khí Dương, và một nét đứt (tức là vạch chẵn), để làm phù hiệu (tượng trưng) cho khí Âm. Hai cái vạch đó gọi là hai Nghi. Trên mỗi nghi thêm một nét nữa, thành ra bốn cái hai vạch, gọi là bốn Tượng. Trên mỗi Tượng lại vạch thêm một vạch nữa, thành ra tám cái ba vạch, gọi là tám Quẻ (tức là quẻ đơn).
Sau cùng Phục Hy lại đem quẻ nọ chồng lên quẻ kia, thành ra sáu mươi tư cái sáu vạch, gọi là sáu mươi tư Quẻ (tức là quẻ kép). Từ thời Phục Hy đến cuối nhà Thương Kinh Dịch vẫn chỉ là những vạch liền, vạch đứt, chưa có tên hiệu chữ nghĩa gì cả.
- Sang tới đầu nhà Chu, Chu Văn Vương mới đem những Quẻ của Phục Hy mà đặt từng tên và diễn thêm lời ở dưới mỗi quẻ để nói về sự lành dữ của cả quẻ, như chữ nguyên hanh lợi tẫn mã chi trinh ở quẻ Khôn v.v… Lời đó gọi là Lời Quẻ (quái từ), hay lời thoán (thoán từ).
- Rồi sau đó Chu Công tức Cơ Đán (con trai thứ Văn Vương), lại theo số vạch của các quẻ mà chia mỗi quẻ ra làm sáu phần, mỗi phần gọi là một Hào, và dưới mỗi hào đều có thêm một hoặc vài câu, để nói về sự lành dữ của từng hào, như câu Sơ Cửu: tiềm long vật dụng hay câu Cửu Nhị: hiện long tại điền trong quẻ Kiền và câu Sơ Lục lý sương kiên băng chí hay câu Lục Tam: Hàm chương khả trinh trong quẻ Khôn… Lời đó gọi là lời hào (Hào từ) vì phần nhiều nó căn cứ vào hình tượng của các hào, cho nên nó còn gọi là (Lời tượng).
- Tiếp đến Khổng Tử lại soạn ra bảy thứ nữa, là Thoán truyện, Tượng truyện, Văn ngôn, Hệ từ truyện, Thuyết quái, Tự quái, Tạp quái. Thoán truyện có hai thiên: Thượng Thoán và Hạ Thoán; Tượng truyện có hai thiên: Thượng và Hạ Tượng; Hệ từ cũng có hai thiên: Thượng Hệ và Hạ Hệ; tất cả mười thiên, thường gọi là Thập dực (mười cánh). Sáu thứ đó tuy đều tán cho ý nghĩa Kinh Dịch rộng thêm, nhưng mỗi thứ có một tính cách.
Bát quái và Kinh dịch đại diện cho quá trình diễn tiến nhận thức của người Trung Quốc cổ đại đối với các hiện tượng tự nhiên, hiện tượng xã hội. Đầu tiên có các hào dương và hào âm với phù hiệu đơn giản nhất, sau đó phát triển thành 8 quẻ (Bát quái) có thể đại diện được cho tám loại hiện tượng của thế giới tự nhiên. Rồi lại phát triển tiếp tám tám sáu mươi tư quẻ, có thể thuyết minh cho nhiều hiện tượng tự nhiên và hiện tượng xã hội hơn.
Cuối cùng mới có “Kinh dịch” với các lời quẻ là chính, cấu thành một tác phẩm triết học có thể đại diện cho vũ trụ quan, nhân sinh quan… của người Trung Quốc cổ đại. Mỗi một giai đoạn phát triển đều không thể chỉ là sự sáng tạo phát minh của một cá nhân nào đó, mà là một quá trình diễn tiến có sự kế thừa và phát triển trước sau, liên tục không ngừng.
Kinh Xuân Thu
Kinh Xuân Thu (chữ Hán: 春秋), cũng được gọi là Lân Kinh (chữ Hán: 麟經) là bộ biên niên sử của nước Lỗ viết về giai đoạn từ năm 722 TCN tới năm 481 TCN, tức là từ Lỗ Ẩn công năm thứ nhất đến Lỗ Ai công năm thứ 14.
Kinh Xuân Thu là văn bản lịch sử Trung Quốc sớm nhất còn lại và được ghi chép theo thể biên niên. Văn bản được đánh giá cực kỳ súc tích, và nếu bỏ toàn bộ phần truyện, nội dung sẽ dài khoảng 16.000 chữ, vì thế chỉ có thể hiểu được nghĩa của nó với sự hỗ trợ của những truyện của các học giả thời xưa, đặc biệt theo truyền thống Tả truyện.
Phạm vi sự kiện được ghi chép trong kinh Xuân Thu khá hạn chế. Nó tập trung vào các quan hệ ngoại giao giữa các nước chư hầu phong kiến, các liên minh và các hành động quân sự, cũng như những sự kiện sinh tử bên trong gia đình hoàng gia. Kinh Xuân Thu cũng ghi chép về các sự kiện thảm hoạ thiên nhiên như lũ lụt, động đất, nạn châu chấu và nhật thực, bởi vì những sự kiện đó được xem là phản ánh sự ảnh hưởng của trời đối với thế giới loài người.
Các sự kiện được miêu tả theo trật tự thời gian, đầu tiên là niên hiệu của vua nước Lỗ, mùa, tháng và ngày theo năm can chi. Kết cấu biên niên được tuân thủ chặt chẽ, tới mức liệt kê bốn mùa trong mỗi năm thậm chí khi không có sự kiện nào xảy ra ở thời điểm đó.
Kinh Xuân Thu được Khổng Tử viết với “Xuân Thu” là cách gọi lịch sử thời Tiên Tần (giai đoạn lịch sử của Trung Quốc trước khi nhà Tần thống nhất). Khổng Tử đã trực tiếp chỉnh lý biên niên sử nước Lỗ, để minh bạch về các bài học trị quốc, lưu cấp cho đời sau kinh nghiệm và trí tuệ, minh bạch quy luật thế đạo hưng suy, để bậc quân vương và thần tử đời sau đều phải lấy sử làm gương.
Theo Mạnh Tử, nguyên nhân Khổng Tử viết kinh Xuân Thu là: “Đời suy đạo yếu, tà thuyết và những việc làm tàn bạo lại dấy lên: có kẻ làm bề tôi mà lại giết vua, có kẻ làm con mà lại giết cha. Khổng Tử sợ, nên làm ra kinh Xuân Thu. Kinh Xuân Thu chép chuyện của thiên tử. Cho nên Khổng Tử nói: Kẻ biết ta chỉ là bởi kinh Xuân Thu! Kẻ bắt tội ta chỉ là bởi kinh Xuân Thu!”.
Theo Trần Trọng Kim thì Khổng Tử biết rằng trong nước không thể không có vua, nhưng lại sợ những người làm vua lạm dụng quyền lực của mình để làm những điều tàn bạo, cho nên Khổng Tử mới đem cái nghĩa lấy cái “nguyên” (元) của dương khí mà thống trị việc trời, lấy trời mà thống trị vua chúa và bày tỏ nghĩa ấy trong sách Xuân Thu để hạn chế quyền lực của vua. Tuy nhiên, vì vua chúa ít người hiểu được lẽ thâm viễn siêu việt ấy, cho nên Khổng Tử mới lấy những tai dị như nhật thực, nguyệt thực, sao chổi, động đất để cảnh tỉnh bậc làm vua, muốn bậc làm vua phải lấy những điềm lạ ấy mà kính sợ, tự mình tu tỉnh lại và làm những điều nhân nghĩa.
Nguồn:
Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (19)