
Nguồn: Wikipedia
Sử Ký Tư Mã Thiên- Bộ lịch sử đầy đủ đầu tiên của Trung Hoa
Sử ký (tiếng Trung: 史記/史记) hay Thái sử công thư (太史公書, nghĩa: Sách của quan Thái sử) là thành quả hơn 10 năm làm việc của sử gia Tư Mã Thiên từ năm 109 TCN đến 91 TCN.
Sử Ký là một kiệt tác lịch sử phi thường, bộ lịch sử hoàn chỉnh đầu tiên của Trung Hoa, trải dài hơn 2500 năm từ thời đại sơ khai của Ngũ Đế, qua các triều đại Hạ, Thương, Chu, và Tần, qua nhiều thế kỷ cho đến thời của Tư Mã Thiên.
Là văn bản lịch sử Trung Quốc có hệ thống đầu tiên, Sử Ký ảnh hưởng cực lớn tới việc chép sử và văn chương Trung Quốc sau này. Tư Mã Thiên được so sánh với Herodotus và Sử Ký với cuốn Lịch sử (Historiai) (theo quan điểm người phương Tây).
Những câu nói nổi tiếng của Tư Mã Thiên trong Sử Ký như “không ghi chép gì khác ngoài sự thật”; “không khoe khoang và không che đậy” đã được các nhà sử học Trung Hoa đánh giá cao.
Dù trải qua nhiều khó khăn và phải chịu đựng bao thử thách khắc nghiệt, Tư Mã Thiên vẫn luôn chính trực và kiên định theo đuổi những chuẩn mực đạo đức trong cả công việc và cuộc sống. Với việc tạm gác tự trọng cá nhân sang một bên, Tư Mã Thiên đã để lại cho hậu thế một bản ghi chép lịch sử xuất sắc, đầy đủ của Trung Hoa giai đoạn sơ kỳ.
Sử Ký Tư Mã Thiên- Một tác phẩm đồ sộ phi thường
Sử ký có trên 526.500 chữ Hán (gồm 130 thiên), làm cho nó dài gấp bốn lần cuốn Lịch sử chiến tranh Peloponnese của Thucydides (mặc dù Lịch sử chiến tranh Peloponnese được viết vào ba thế kỷ trước Sử ký) và thậm chí còn dài hơn Cựu Ước.
Tư Mã Thiên biên soạn, sắp xếp các nguồn sử liệu phức tạp và đôi khi mâu thuẫn thành một bộ sách hoàn chỉnh, dựa trên nhiều nguồn khác nhau. Bản thảo của ông được viết trên phiếu tre mà sau đó được lắp ráp thành bó nên rất tốn nhiều nguyên vật liệu.
Sử Ký độc đáo ở chỗ, thay vì ghi lại lịch sử theo thứ tự thời gian dựa trên các sự kiện, nó lại kết nối lịch sử dựa trên những nhân vật trọng yếu có liên quan. Ngoài ra, không giống như các bộ sử trước đây, vốn được viết thành biên niên sử chính thức của triều đình dưới sự giám sát của hoàng gia, Sử Ký được viết một cách độc lập.
Qua 130 thiên sách, tác phẩm trình bày các sự kiện lịch sử chia theo 5 phần gồm Bản Kỷ (tiểu sử của các triều đại và các quân vương); Biểu (mốc thời gian của các sự kiện); Thư (lễ, nhạc, lịch pháp, thiên văn…); Thế Gia (gia phả của các gia tộc nổi tiếng); Liệt Truyện (tiểu sử của các nhân vật lịch sử nổi bật), và kết thúc bằng một tự truyện của chính Tư Mã Thiên.
Ghi chép trong Sử Ký còn bao gồm các bậc hoàng đế, thành viên hoàng tộc, quan lại quý tộc, gia đình phong kiến, và thậm chí cả những thường dân nổi tiếng với những nguyên tắc đạo đức cao thượng và những câu chuyện nổi bật.
Tác phẩm cũng bao hàm các luận thuyết có giá trị về các chủ đề khác nhau của thời đó, bao gồm lễ, nhạc, lịch pháp, thiên văn, văn học và kinh tế.

Nguồn: Epochtimesviet.com (Ảnh: Blue Hsaio/Epoch Times)
Đại Sử Gia Tư Mã Thiên- Tâm đại nhẫn làm nên đại sự
Tư Mã Thiên (司馬遷) sinh vào khoảng năm 145 trước Công nguyên vào thời nhà Hán (漢朝) (206 TCN–220 SCN). Ông được xem là sử gia đầu tiên và vĩ đại nhất của Trung Hoa với tác phẩm đồ sộ Sử Ký (史記), hay còn gọi là Thái Sử Công Thư (Sách của quan Thái Sử).
Tư Mã Thiên lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm sử quan lâu đời. Cha của ông là Tư Mã Đàm, từng giữ chức Thái sử lệnh dưới thời vua Hán Vũ Đế.
Tư Mã Đàm chịu trách nhiệm theo dõi thiên văn và lịch pháp cho các buổi lễ, cũng như ghi chép thường nhật về các sự kiện trong triều. Từ nhỏ, Tư Mã Thiên chăm chỉ nghiên cứu lịch sử và các tác phẩm kinh điển dưới sự hướng dẫn của cha ông.
Vào năm 126 TCN, Tư Mã Đàm đã sắp xếp một chuyến ngao du khắp Trung Hoa cho người con trai Tư Mã Thiên, khi ấy mới 20 tuổi. Trong chuyến đi, Tư Mã Thiên đã đến thăm những di tích cổ và lăng mộ của các bậc quân vương vĩ đại trong lịch sử. Ông đã nghiên cứu chuyên sâu một bộ sưu tập với rất nhiều ghi chép lịch sử, bao gồm cả những ghi chép của Khổng Tử, và thu được rất nhiều lợi ích từ chuyến đi này.
Một sử gia độc lập
Khi trở về kinh đô, Tư Mã Thiên được bổ nhiệm giữ chức Lang trung và cùng Hán Vũ Đế tuần du đến các vùng khác nhau trên cả nước. Bất cứ nơi nào đi qua, sử gia Tư Mã Thiên đều thu thập và biên soạn các ghi chép lịch sử địa phương.
Khoảng năm 110 TCN, Tư Mã Đàm lâm bệnh. Trước đó, ông đã khởi xướng một dự án đầy tham vọng là viết lại bộ lịch sử hoàn chỉnh đầu tiên của Trung Hoa, trải dài hơn 2,000 năm từ triều đại của Hiên Viên Hoàng đế đến triều đại của Hán Vũ Đế.
Trước khi lâm chung, Tư Mã Đàm tha thiết mong con trai tiếp tục sứ mệnh quan trọng này. Tư Mã Thiên hứa sẽ hoàn thành ước nguyện của cha.
Sau này, ông kế thừa cha giữ chức Thái sử lệnh.
Tư Mã Thiên tin rằng các sử gia cần phải độc lập, khách quan, thay vì phục vụ theo ý muốn của hoàng đế.
Để ghi chép các nhân vật và sự kiện lịch sử một cách khách quan và công bằng, Tư Mã Thiên đã dành trọn thời gian và tâm huyết để thu thập và xác minh các dữ kiện lịch sử, cố gắng hết sức để bảo đảm rằng những ghi chép là toàn diện và không thiên vị.
Một thách thức mà Tư Mã Thiên phải đối mặt là làm thế nào để ghi lại những việc làm của các hoàng đế hiện tại cũng như trong quá khứ. Ông quyết định ghi lại mọi thứ, bất kể việc tốt hay xấu và điều này đã làm phật lòng Hán Vũ Đế.
Nhẫn nhục để hoàn thành tâm nguyện

Nguồn: trithucvn.org (Hình minh họa: Qua read01)
Năm 99 TCN, Lý Lăng, người đảm nhiệm chức Đô uý đã dẫn 5000 quân và ngựa đi đánh Hung Nô, kết quả bị 3 vạn kỵ binh của Hung Nô vây chặt.
Mặc dù Lý Lăng và binh sĩ đã ra sức chiến đấu, nhưng cuối cùng đã bại trận. Chỉ có hơn 400 binh sĩ thoát được trở về. Lý Lăng bị Hung Nô bắt đầu hàng. Sự kiện này chấn động triều đình, quần thần khiển trách Lý Lăng không nên tham sống sợ chết mà đầu hàng Hung Nô.
Khi Hoàng đế hỏi ý kiến của Tư Mã Thiên, Tư Mã Thiên dựa vào sự hiểu biết của mình về Lý Lăng, cho rằng Lý Lăng không phải là người tham sống sợ chết, bộ binh mà Lý Lăng thống lĩnh chưa đến 5000 người, thâm nhập vào đất địch đánh với mấy vạn quân Hung Nô, tuy nói là bại trận, nhưng cũng là trong tình lý. Lý Lăng đầu hàng cũng là việc bất đắc dĩ nhất thời.
Tư Mã Thiên cũng cho rằng việc Lý Lăng không chịu chết ngay lúc đó chắc chắn là có lý do riêng, nhất định muốn đem công chuộc tội báo đáp Hoàng thượng.
Hoàng đế nghe xong lại cho rằng Tư Mã Thiên đã nói đỡ cho việc Lý Lăng đầu hàng để ông ta được thoát tội nên lấy tội danh đối kháng triều đình bắt Tư Mã Thiên giam vào ngục. Sau khi bị giam vào ngục, Tư Mã Thiên đã bị “cung hình.”
Cung hình là một hình phạt cực kỳ nhục nhã, vì bổn phận của người con trai theo quan niệm Nho gia là giữ gìn sự toàn vẹn của cơ thể mà cha mẹ đã trao cho mình, nên hầu hết đàn ông sẽ tự sát chứ không chấp nhận nhục hình.
Tuy nhiên để hoàn thành bộ Sử ký, Tư Mã Thiên đã lấy tinh thần kiên cường ẩn nhẫn và dũng khí quên mình để viết bộ Sử Ký vĩ đại và thực hiện lời hứa với cha. Nỗi xấu hổ, sỉ nhục, phẫn nộ, tất cả dường như được ngưng tụ vào ngòi bút của ông.
Tư Mã thiên cuối cùng đã biên soạn nên bộ trứ tác đồ sộ để lại cho hậu nhân một công trình vĩ đại và một bài học lớn lao.
Nguồn:
Wikipedia: Sử Ký
Epochtimesviet.com: Đại sử gia Tư Mã Thiên – Cha đẻ bộ lịch sử đầy đủ đầu tiên của Trung Hoa
Ntdvn.net: 30 năm thủ tiết chuyên cần Tư Mã Thiên viết Sử Ký thành tựu chí hướng 2 đời
Trithucvn.org: Tâm đại nhẫn làm nên đại sự: Quá trình Tư Mã Thiên nhẫn nhục viết ‘Sử Ký’