Hồng lâu mộng (phồn thể: 紅樓夢), tên gốc Thạch đầu ký (phồn thể: 石頭記) là một trong Tứ đại danh tác của Trung Quốc. Với hơn 100 triệu bản được xuất bản, tiểu thuyết này trở thành một trong những sách bán chạy nhất của mọi thời đại.
Tác phẩm ra đời vào khoảng giữa thế kỉ XVIII, đời nhà Thanh, 80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần viết, 40 hồi sau do Cao Ngạc viết thêm và soạn thành sách.
Vì tác giả bản gốc mất trước khi tiểu thuyết hoàn thành, nên những nội dung kết thúc câu chuyện là bí ẩn, gây tò mò muốn khám phá của nhiều thế hệ độc giả, và nảy sinh Hồng học (bộ môn khoa học chuyên nghiên cứu về Hồng lâu mộng).
Hồng Lâu Mộng được cho rằng viết dựa trên hiện thực của chính dòng họ, gia đình Tào Tuyết Cần trước đây. Tác phẩm là chuỗi tự sự lớn nhất của đời ông, như là một sự nuối tiếc thời kì vàng son rực rỡ, đồng thời nó cũng phản ánh bản chất xã hội phong kiến Trung Quốc giai đoạn ông sống.
Tào Tuyết Cần viết Hồng Lâu Mộng không nhằm mục đích phê phán chế độ xã hội đương thời hay nhằm mục đích gì, ông chỉ viết để mang mục đích bày tỏ tâm sự của bản thân, giải tỏa nỗi niềm “cô phẫn” nên không có ý định xuất bản. Tuy nhiên ông đã tốn rất nhiều sinh lực và tâm huyết trong mười năm cuối cùng của cuộc đời, đến nỗi ông cũng phải thốt lên:
“Xem ra chữ chữ toàn bằng huyết
Cay đắng mười năm khéo lạ lùng”.
Tác phẩm được viết bằng bạch thoại (ngôn ngữ bình dân) thay vì văn ngôn, mặc dù bản thân Tào Tuyết Cần rất giỏi cổ văn và thơ phú. Các đoạn hội thoại trong Hồng Lâu Mộng dựa trên tiếng Quan Thoại Bắc Kinh, cơ sở của tiếng Trung Quốc hiện đại.
Tiểu thuyết đã được dịch ra 20 thứ tiếng phổ biến trên thế giới như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Hi Lạp, tiếng Nhật, tiếng Triều Tiên, tiếng Việt v.v.
Hồng lâu mộng còn có một số tên khác như:
- Thạch Đầu Ký tức là chuyện Thần Anh đầu thai xuống hạ giới trả nợ tình duyên rồi lại trở về kiếp đá.
- Vì nguyên Bảo Ngọc là người đa tình sau lại đi tu nên có tên là Tình Tăng lục (情僧录 – ghi chép về ông sư đa tình) hay Phong Nguyệt bảo giám (风月宝鉴).
- Thập nhị kim thoa (十二金釵): lấy chuyện mười hai cô gái đẹp trong truyện để đặt tên.
- Kim Ngọc kì duyên (金玉奇緣): Bảo Thoa có vàng, Bảo Ngọc có ngọc nên Bảo Ngọc lấy Bảo Thoa là Kim Ngọc kì duyên.
Hồng Lâu Mộng- Tác phẩm kinh điển chứa nhiều yếu tố thần tiên, thiên nhân hợp nhất
Tác phẩm xoay quanh câu chuyện tình duyên trắc trở giữa hai anh em con cô con cậu: Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, từ đó mô tả cuộc sống nhiều mặt của một đại gia đình quý tộc đời Minh từ lúc cực thịnh cho đến lúc suy vi trong vòng tám năm.
Tiểu thuyết mở đầu bằng một huyền thoại: Nữ Oa luyện đá ngũ sắc vá trời, luyện được năm vạn lẻ một viên. Viên linh thạch còn thừa được đưa về Thanh Ngạnh. Tiểu thuyết cũng đưa tích trời Thần Anh chăm sóc cây tiên Giáng Châu.
Thần Anh và Giáng Châu duyên nợ, chịu ơn nhau nên phải đầu thai xuống hạ giới để “lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại cho chàng”. Từ đó dẫn ra bao nhiêu oan gia phong lưu đều phải xuống trần để trả duyên nợ, sinh ra bao nhiêu chuyện sau này.
Đá thiêng hóa thành Giả Bảo Ngọc. Cây thiêng hóa thành Lâm Đại Ngọc. Gia đình họ Giả vốn có nhiều công lao với triều đình, số lượng kẻ hầu người hạ có lúc lên tới 448 người, sống trong hai tòa dinh cơ tráng lệ bậc nhất Kinh thành.
Giả Bảo Ngọc là cậu ấm thứ hai của Giả Chính, sinh ra đã ngậm một viên “Thông linh Bảo Ngọc”, là niềm hi vọng của gia đình họ Giả. Lâm Đại Ngọc là con gái của Giả Mẫn, em gái của Giả Chính. Bố mẹ mất sớm, Đại Ngọc được Giả mẫu đem về nuôi trong phủ Vinh Quốc.
Trong Vinh quốc phủ còn có gia đình của Tiết phu nhân, vốn là em gái Vương phu nhân, cùng con trai cả Tiết Bàn và con gái Tiết Bảo Thoa vừa vào Kinh cùng đến ở.
Vì con gái của Giả Chính là Nguyên Xuân được vua phong là Nguyên phi nên để mỗi lần về tỉnh thân, phủ Vinh quốc cho xây dựng vườn Đại quan cực kì tráng lệ huy hoàng. Khu vườn Đại quan này chỉ dành cho các cô tiểu thư xinh đẹp của hai phủ Vinh và phủ Ninh lui tới vui chơi. Giả Bảo Ngọc là cậu ấm duy nhất được lui tới và tìm được người tâm đầu ý hợp là Lâm Đại Ngọc.
Tuy nhiên, mọi người trong gia đình không muốn cuộc hôn nhân này diễn ra. Lâm Đại Ngọc là người con gái dung mạo tuyệt sắc, là một tâm hồn thi phú đích thực nhưng vô cùng nhạy cảm và mảnh mai, lại phải cảnh ăn nhờ ở đậu nên tính tình càng thêm sầu bi, cô độc. Cho nên nàng thương hoa, khóc hoa, chôn hoa, tâm hồn nàng như một sợi tơ đàn mảnh mai, bất kể một giọt mưa thu hay tơ liễu bay đều âm vang một điều bi thương đứt ruột. Nàng cho rằng Bảo Ngọc không cần thi cử, làm quan; lánh xa công danh phú quý.
Trong khi đó, Bảo Thoa, người con gái đài các, sắc sảo, đức hạnh theo đúng khuôn phép chuẩn mực phong kiến lại luôn khuyến khích Bảo Ngọc học hành đỗ đạt để lọt vào tầm ngắm của các bậc huynh trưởng trong dòng họ.
Lúc đầu, Bảo Ngọc còn phân vân trước tình yêu của Bảo Thoa, “gần cô chị thì quên khuấy cô em”; song dần dần, nhận thấy Bảo Thoa chỉ mong ngóng cái danh “lập thân”, nên Bảo Ngọc đã dành trái tim mình cho Đại Ngọc, mong muốn lấy nàng làm vợ. Gia đình họ Giả coi đó là một tai họa.
Phần sau của Hồng Lâu Mộng
(1) Theo một số nhà Hồng học, trong lúc thế lực của hai phủ họ Giả bị lung lay do mắc tội với triều đình, cả hai phủ đều bị phân li, kẻ chết người đi đày, trong một cố gắng cuối cùng nhằm cứu vãn gia tộc, Phượng Thư (chị dâu của Bảo Ngọc) đã đặt kế tráo hôn.
Khi mở khăn che mặt cô dâu thấy không phải Đại Ngọc, Bảo Ngọc bỏ đi, về sau hóa thành đá. Lâm Đại Ngọc nghe tiếng pháo đám cưới của Bảo Ngọc, uất ức phát bệnh, ho ra máu mà chết. Kết thúc pho truyện là một khúc nhạc ai oán cho cuộc sống vương giả như mây tan bèo dạt, như một “giấc mộng trong chiếc lầu hồng” như một sự chiêm nghiệm về lẽ đời của họ Tào.
(2) Theo 40 hồi cuối Cao Ngạc viết đưa kết thúc khác là sau đám cưới ấy, Lâm Đại Ngọc chết, còn Bảo Ngọc chấp nhận sống với Bảo Thoa.
Sau này, gia đình lung lay, bị tịch thu tài sản, Giả Chính đi làm quan xa nhà, luôn viết thư về giục giã hai chú cháu Bảo Ngọc và Giả Lan học hành chăm chỉ. Cuối cùng, Bảo Ngọc và Giả Lan đều đỗ cử nhân, nhưng ngay sau đó Bảo Ngọc bỏ nhà đi tu. Bảo Thoa thì đang mang thai đứa bé – hi vọng của nhà họ Giả.
Hồng Lâu Mộng- Tác phẩm ẩn chứa huyền cơ tu luyện của Phật gia và Đạo gia
Văn hóa Trung Hoa luôn xoay quanh quan niệm Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân ở các tầng thứ cụ thể, với nội dung làm người thế nào, tu đạo ra sao, tu Phật cách nào, ấy cũng chính là nội hàm sâu rộng của văn hóa.
Nội hàm thâm sâu này cũng chính là cái thần của văn hóa, ý nghĩa bề mặt của văn tự nơi cảnh giới con người, lại chứa đựng nội hàm thông thấu thiên địa, bao hàm tất cả thiên lý của Thần Đạo.
Đây là ý nghĩa “văn dĩ tải đạo” của nền văn hóa bán thần Trung Hoa. Tứ đại danh tác của Trung Hoa, trong đó có Hồng Lâu Mộng, cũng chính là mang tác dụng “văn dĩ tải đạo” vậy.
Tác phẩm chứa nội hàm Tam Tài
Hồng Lâu Mộng kể về một khối đá tảng từ thời bà Nữ Oa đội đá vá trời, đã khởi tâm phàm tục, cho rằng mình không đủ tài để bổ khuyết trời xanh, nên muốn hạ xuống cõi trần một phen.
Tảng đá biến thành khối ngọc thạch đi theo vị thị giả tên Thần Anh, ở cung Xích Hà trên thượng giới, giáng hạ trần gian để tu luyện.
Ngoài ra còn có Giáng Chu tiên tử, người vì cảm ngộ ân nghĩa lúc thị giả Thần Anh rưới cam lộ cho mình tu thành tiên mà trợ giúp việc Thần Anh hạ trần.
Việc Thần Anh đầu thai xuống trần, mượn “ma tình” rèn giũa mình để thăng hoa trong tu luyện với sự trợ giúp của Giáng Chu tiên tử, bởi tu luyện cần phải có một hoàn cảnh thích hợp có sự phối hợp ở nhiều góc độ khác nhau, giống như một màn kịch có vai chính vai phụ vậy.
Hoàn cảnh này chính là Ninh Quốc phủ và Vinh Quốc phủ cùng “đại quan viên” trong Hồng Lâu Mộng; các sự phối hợp như các nhân vật trong “Kim Lăng thập nhị thoa”…Hết thảy sự xuất hiện của vật và người trong câu chuyện này đều cần thiết để giúp cho Thần Anh, lúc này chuyển sinh thành Giả Bảo Ngọc, giác ngộ thế thái nhân tình, từ đó xuất gia tu luyện.
Khối “Bảo Ngọc thông linh”, vốn tự cho mình “bất tài chẳng thể vá trời xanh, nên xuống hồng trần giỡn mấy năm”, đã chuyển sinh thành Lâm Đại Ngọc, thường xuyên cảnh tỉnh Thần Anh “chớ vội lãng quên, tiên thọ vĩnh xương”, cũng là để nhắc nhở Thần Anh lúc đang trong tình trường ma luyện mình, chớ quên bản chân bản nguyện để trở về thiên giới.
Bố cục tác phẩm ảo diệu- dẫn dắt người đọc đến cái đạo tu luyện
Mở đầu thông qua Chân Sỹ Ẩn mà nói lên cái thâm ảo của sự tu luyện. Sau đó lấy chuyện tình duyên của Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc mà diễn giải các khảo nghiệm ảo diệu trong tu luyện.
Việc tu luyện dù Phật hay Đạo đều dựa trên cơ sở là có buông bỏ được nhân tâm hay không. Đây là chỗ Đạo gia gọi là phản bổn quy chân, Phật gia kêu minh tâm kiến tánh. Tất cả đều lấy tu tâm làm chính.
Trong Hồng Lâu Mộng hàm ý trong câu: “Chân đến giả thì chân cũng giả, giả đến chân thì giả cũng chân” cùng bài ca “tốt thôi” xuyên suốt toàn nội dung cuốn truyện, khiến người ta suy tư: “Thế gian vạn sự vạn vật cái gì là chân, cái chi là giả? Làm gì là tốt, việc gì nên thôi?”
Hồng Lâu Mộng cũng chính là được tạo ra để giải cái đáp án này. Thông qua chuyện tình giữa Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc đạo lý của sự tu luyện đã được thể hiện rõ. Giữa Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc không hề có bị kịch về ái tình, mà là Giáng Chu tiên tử và Thần Anh đầu thai xuống trần, mượn trường tình ái mà kết thúc ước nguyện đã có trên thiên thượng.
Tu luyện phải chịu khổ, trên thiên thượng không có khổ để chịu, nên không có điều kiện để tu luyện, Giáng Chu tiên tử không thể báo đáp được đại ân đại đức của Thần Anh. Cõi trần là luyện ngục, chịu khổ trước mọi ma nạn thiện ác cùng sự can nhiễu của thất tình lục dục đều là giả; mà trong cõi tình này, chịu “nhọc cái gân cốt, khổ cái tâm chí” để báo ân và trả nghiệp mới là thực chất trong tu luyện.
Thế nào là tốt? Thế nào là thôi? Buông bỏ được mọi chấp trước là tốt! Thực hiện được nguyện ước khi xuống thế mới là tốt, mà viên mãn trở về thế giới ngày xưa của mình mới là thôi!
Thế nào là chân? Thế nào là giả? Cõi thế gian này chỉ là quán trọ tạm dừng chân, là giả, nơi sinh ra sinh mệnh tối nguyên sơ của mình mới là quê hương chân thật. Vì thất tình lục dục sai xử truy cầu danh lợi, được mất mà chịu khổ tâm nhọc thân đều là giả.
Khi chịu ma luyện trong cái tình để báo ân cùng trả nghiệp, từ đó ngộ đạo phản bổn quy chân mới là thật. Ta từ đâu lại, trở về nơi đó công thành viên mãn lúc đó mới thôi. Đây mới là mục đích tốt đẹp nhất của kiếp người – Chân đến giả thì chân cũng giả, giả đến chân thì giả cũng chân.
Nếu như giả Bảo Ngọc cùng Lâm Đại Ngọc, được thành chồng vợ sinh con đẻ cháu, thi đậu thành danh, biết đâu họ sẽ bị mê ảo bởi thất tình lục dục, đừng nói chi đến việc báo ân cùng trở về cảnh giới thần tiên, mà bản tính của họ sẽ bị che lấp bởi vật dục, quên hẳn chính mình là Thần Anh và Giáng Chu tiên tử, từ đó mãi mãi luân hồi nơi khổ hải, nguyện ước không thành mà còn mất đi cả tiên duyên của mình.
Giáng Chu tiên tử sau khi hoàn thành ước nguyện đã rời đi. Mọi biến cố xảy ra trong gia đình cũng như trong chuyện tình cảm, khiến Giả Bảo Ngọc giác ngộ, xuất gia làm hòa thượng, hiểu rõ đời như giấc mộng, buông bỏ tất cả.
Nguồn
Wikipedia: Hồng Lâu Mộng
Epochtimesviet.com: Hồng Lâu Mộng: Khuyên nhủ con người khám phá Đạo Thần Tiên trong chốn hồng trần
Tinhhoa.us: Hồng Lâu Mộng – Tác phẩm thức tỉnh con người thế gian (P.1)
Tinhhoa.us: Hồng Lâu Mộng – Tác phẩm thức tỉnh con người thế gian (P.2)
Tinhhoa.us: Hồng Lâu Mộng – Tác phẩm thức tỉnh con người thế gian (P.3)
Tinhhoa.us: Hồng Lâu Mộng – Tác phẩm thức tỉnh con người thế gian (P.4)
Tinhhoa.us: Hồng Lâu Mộng – Tác phẩm thức tỉnh con người thế gian (P.5)
Minhchantuong.com: Tứ đại danh tác: Mở đầu chứa Thiên cơ, kết thúc ẩn huyền cơ