Đạo gia có lịch sử lâu dài từ thuở bình minh ban sơ của nhân loại. Từ thời viễn cổ, các bậc Thần thánh, hiền nhân đắc đạo đã đem các giáo lý Đạo gia trở thành chủ đạo của nền văn minh Trung Hoa, xây dựng nên một thành tựu văn hóa có thể coi là lâu đời và kỳ vĩ nhất trên thế giới.
Cốt lõi trong trí huệ Đạo gia là những khải ngộ về tất cả vạn sự vạn vật. Bắt đầu từ vi quan của các quy luật của vũ trụ, bí mật của nhân thể cho đến hồng quan là phương lược trị quốc, tinh hoa xử thế, kiến trúc khoa học, văn chương thi từ không gì là không bao hàm trong đó.
Quy luật Âm Dương Ngũ Hành có thể nói là căn bản nhất của Đạo gia và nó hiện diện xuyên suốt toàn bộ nền văn minh Trung Hoa, trong tất cả mọi lĩnh vực. Nên có thể nói rằng, nếu không hiểu quy luật và triết lý Âm Dương Ngũ Hành thì hoàn toàn không thể nào hiểu được nền văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Nguồn gốc quy luật Âm Dương
Về nguồn gốc của âm dương và triết lý âm dương, rất nhiều người theo Khổng An Quốc và Lưu Hâm (nhà Hán) mà cho rằng Phục Hy là người có công sáng tạo và được ghi chép trong Kinh Dịch (2800 TCN). Ngoài ra còn có lý thuyết cho rằng chính phái”Âm dương gia”, thời Chiến Quốc đã lưu truyền nó. Phái Âm Dương Gia có đại diện nổi tiếng nhất là Trâu Diễn, người đã đưa ra thuyết Ngũ Đức chung thủy dựa trên Ngũ hành và có những tiên tri giá trị trong thời đại của ông. Tuy nhiên theo người viết, quy luật Âm Dương là quy tắc của vũ trụ, nó vĩnh hằng nên con người chỉ có thể là phát hiện ra chứ không thể nào phát minh ra nó được. Nên các vị danh nhân bên trên, có thể coi như những người tiên phong tìm ra quy luật này mà thôi.
Âm Dương trong cổ thư
Hai quyển sách có thể coi là nền tảng của văn minh Trung Hoa là Kinh Dịch và Hoàng đế nội kinh tố vấn có viết về Âm Dương như sau:
“Lập Thiên chi Đạo, viết Âm dữ Dương. Lập Địa chi Đạo, viết Cương dữ Nhu. Lập Nhân chi Đạo, viết Nhân dữ Nghĩa” (Chu Dịch-Thuyết Quái Truyện)
Tạm dịch:
“Đạo tạo nên Trời là Âm và Dương, Đạo tạo nên Đất là Cứng và Mềm, Đạo tạo nên Người là Nhân và Nghĩa”
“Âm Dương là Đạo của Trời Đất, là kỷ cương của vạn vật, là cha mẹ của biến hóa, là nguồn gốc của sinh diệt, là nơi trú ngụ của thần minh” (Hoàng Đế nội kinh tố vấn-Ứng tượng đại luận)
Quy luật Âm Dương:
一陰一陽之謂道
Nhất Âm Nhất Dương chi vị Đạo
繼 之 者 善 也, 成 之 者 性 也
Kế chi giả thiện dã. Thành chi giả tính dã.
成 象 之 謂 乾,效 法 之 為 坤
Thành tượng chi vị Kiền. Hiệu pháp chi vị Khôn.
陰 陽 不 測 之 謂 神。
Âm Dương bất trắc chi vị thần.
天 尊 地 卑,乾 坤 定 矣。卑 高 以 陳,貴 賤 位 矣。動 靜 有 常,剛 柔 斷 矣。方 以 類 聚,物 以 群 分,吉 凶 生 矣。在 天 成 象,在 地 成 形,變 化 見 矣。
Thiên tôn địa ti. Kiền Khôn định hĩ. Ti cao dĩ trần. Quí tiện vị hĩ. Động tĩnh hữu thường. Cương nhu đoán hĩ. Phương dĩ loại tụ. Vật dĩ quần phân. Cát hung sinh hĩ. Tại thiên thành tượng. Tại địa thành hình. Biến hoá kiến hĩ. ( Kinh Dịch-Hệ từ Thượng truyện)
乾 道 成 男,坤 道 成 女。
Kiền đạo thành nam. Khôn đạo thành nữ.
乾 知 大 始,坤 作 成 物。
Kiền tri đại thủy. Khôn tác thành vật.
剛 柔 相 推 而 生 變 化 。
Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hoá.
(Kinh Dịch- hệ từ Thượng)
Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sanh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ âm nhi bão dương, trùng khí dĩ vi hòa.
Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên
(Đạo đức kinh)
Vạn vật đều hàm chứa Âm Dương
Âm Dương đan xen không thể tách rời nhau
Trời lấy 2 khí Âm dương ñể sinh ra muôn vật, mà tính mệnh con người ở gốc Âm-dương (Hoàng đế nội kinh)
Cô Âm bất sinh cô Dương bất trưởng (Địa Lý cầu chân)
“ Dương không thể ñộc lập, phải ñợi có âm rồi mới lập, nên dương lấy âm làm nên tảng ; Âm không thể tự phát hiện, phải ñợi có dương rồi sau mới phát hiện, nên âm lấy dương dẫn ñường …” (Hoàng Cực Kinh Thế-Thiệu Khang Tiết).
Từ các ví dụ trên, ta có thể nhận ra một vài điểm về quy luật Âm Dương như sau:
Âm dương là khái niệm về quy luật cấu tạo và vận hành của vạn vật trong vũ trụ sẽ luôn bao hàm 2 mặt đối lập nhưng cùng tồn tại trong 1 thể hệ và cân bằng động với nhau trong thể hệ đó.
Âm Dương cũng là khái niệm về quy luật phát triển vận hành của vạn sự vạn vật, tất cả trong Tam giới đều không ra khỏi quy luật này. Hay nói cách khác thì vạn vật là đồng nhất thể và Thiên nhân hợp nhất cũng chính là biểu hiện của quy luật Âm Dương đang vận hành trong vũ trụ.
Thời hiện đại và 12 định lý Âm Dương:
Trong các triết gia có ảnh hưởng của phương Đông thời cận đại và hiện đại, thì George Ohsawa, một bậc thầy dưỡng sinh cổ truyền Nhật Bản đã nghiên cứu và có thành tựu cao về quy luật Âm Dương. Ông đã gọi quy luật Âm Dương là “Nguyên Lý Vô Song” và cũng đưa ra 12 quy luật liên quan đến nó như sau:
(1) Vũ trụ phát triển, mở rộng theo trật tự Âm Dương.
(2) Trật tự Âm Dương xảy ra liên tục không ngừng và vô hạn ở mọi nơi, tại mọi ngóc ngách. Chúng ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau (Tương quan), hỗ trợ, bổ sung cho nhau (Giao thiệp), có phát triển và có suy yếu (Thịnh suy).
(3) Những thứ có tính hướng tâm, rút ngắn, hạ thấp là Dương, những thứ có tính ly tâm, mở rộng, vươn cao là Âm (do đó, nhiệt nóng hay hoạt động được sinh ra từ Dương, lạnh mát hay tĩnh lặng được sinh ra từ Âm).
(4) Âm hút Dương và Dương hút Âm.
(5) Vạn vật là tập hợp đa chiều và phức tạp của các vi phân tử kiểu điện tửtrong bản thể Vũ trụ mang hai cực Âm Dương ở mọi tỷ lệ.
(6) Vạn vật là tập hợp của Âm Dương biểu thị cân bằng động ở mọi cấp độ.
(7) Không tồn tại thứ thuần túy tuyệt đối Âm hay thuần túy tuyệt đối Dương. Nói chung mọi thứ đều tương đối.
(8) Không có gì trung tính dù chỉ là một thứ. Nhất thiết phải có ít nhiều Âm Dương.
(9) Lực hút lẫn nhau giữa vạn vật tỷ lệ với độ chênh lệch Âm Dương giữa hai vật đối lập đó.
(10) Những gì có tính chất giống nhau thì đẩy nhau. Lực đẩy của những thứ có tính chất giống nhau tỷ lệ nghịch với độ chênh lệnh Âm Dương giữa chúng.
(11) Cực Âm thì sinh Dương, cực Dương thì sinh Âm.
(12) Vạn vật đều Dương ở bên trong và Âm ở bên ngoài.
Quy luật Ngũ Hành:
Theo triết học cổ Trung Hoa, tất cả vạn vật đều phát sinh từ năm nguyên tố cơ bản và luôn trải qua năm trạng thái là: Hỏa (火), Thủy (水), Mộc (木), Kim (金), Thổ (土). Năm trạng thái này được gọi là Ngũ hành (五行), không phải là vật chất như cách hiểu đơn giản theo nghĩa đen trong tên gọi của chúng mà đúng hơn là cách quy ước của người Trung Hoa cổ đại để xem xét mối tương tác và quan hệ của vạn vật trong mối tương quan hài hòa, thống nhất.
Hoàng Đế nói:
“Khí Trời là cái gốc của tính mệnh con người. Trời lấy 2 khí Âm dương ñể sinh ra muôn vật, mà tính mệnh con người ở gốc Âm-dương ; cho nên ở trong khoảng 6 cõi , khí ñó phân tán ra ở trên mặt ñất, chia làm 9 Châu, khí ñó phân tán ở con người thành ra 9 KHIẾU , 5 Tạng và 12 khớp xương ñều cùng thông với Thiên-khí. Những phần tử ñể sinh ra con người nhờ ở 5 HÀNH và 3 KHÍ.” (Hoàng đế nội kinh)
Quy luật Ngũ Hành có trong vạn vật vạn sự:
Cũng như Âm Dương, quy luật ngũ hành và các định lý tương sinh tương khắc của nó luôn hiện hữu trong vạn vật trong vũ trụ nội Tam giới, không chừa bất cứ thứ gì.
Ngũ Hành không chỉ đơn giản là 5 loại vật chất Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, mà nó còn là 5 loại vận động, 5 trạng thái của khí, vốn là thứ bản chất nền tảng cho các triết lý của văn minh Trung Hoa, nó là bước triển khai ra vạn vật của triết lý Âm Dương. Có thể nói triết lý Âm Dương mở rộng ra là Ngũ Hành, Bát Quái còn quy nguyên thì chính là quay về với Đạo cũng là hai chiều trái ngược nhưng tương hỗ nhau mà tạo nên mọi thứ từ giá trị quan tinh thần cho đến thành tựu vật chất của nền văn minh cổ phương Đông.