Không giống như Đạo giáo vốn ra đời từ thời Hán và phát triển mạnh trong thời kỳ trung đại ở Trung Quốc, Đạo gia ( có thể hiểu là một trường phái tu luyện ẩn dật, mật tu) có 1 lịch sử lâu đời hơn dù cho một đại diện vô cùng nổi tiếng của nó là Lão Tử có mặt sớm nhất vào thời nhà Chu.
Về mặt định nghĩa, Đạo Gia là một trong 2 trường phái tu luyện chính và lớn nhất trong vũ trụ này gồm có Phật và Đạo. Đạo gia tu luyện có mặt từ thuở khai thiên lập địa với những vị thần linh sáng tạo ra vũ trụ và con người đầu tiên và sau đó trong suốt 5000 năm những vị Thần kế nhiệm đã thay nhau truyền dạy lại cho con người những kiến thực ưu việt để xây dựng nên một nền văn minh Thần truyền Trung Hoa, sau đó đã ảnh hưởng khắp toàn bộ phương Đông.
Bàn Cổ: ( tiếng Trung phồn thể: 盤古) được coi là vị thần khai thiên lập địa, sáng tạo ra vũ trụ trong thần thoại Trung Hoa cổ. Tương truyền Bàn Cổ sinh ra từ 1 tảng đá nằm giữa trời đất lúc hỗn mang đã thụ khí Âm Dương qua vô số năm. Đây cũng là hình dạng đầu tiên của khái niệm Vô Cực của Đạo gia. Khi Bàn Cổ dùng búa để mở ra Trời và Đất cũng là lúc Vô Cực sinh Thái Cực gồm có Lưỡng Nghi là Âm Dương Trời Đất. Thần thoại Bàn Cổ mang trong nó triết lý Âm Dương là nền tảng của Đạo gia cũng như Đạo giáo sau này.
Tranh vẽ Bàn Cổ (nguồn: Internet)
Nữ Oa: đây là một trong những vị Thần của Đạo gia cổ xưa nhất, bà là vị Thần đã luyện đá ngũ sắc vá trời bị thủng sau khi thủy thần Cộng Công húc đổ núi Bất Chu.
Phục Hy: hay Tử Hoa (chữ Hán: 伏羲) (4486 TCN—4365 TCN), còn gọi là Phục Hi thị (伏羲氏), Mật Hy (宓羲), Bào Hy, Bao Hy (包羲), Hy Hoàng (羲皇), Hoàng Hy (皇羲) hoặc Thái Hạo (太昊), ông đã tạo nên ảnh hưởng trong các thần tích Trung Hoa, ông thường được xem là người đầu tiên và đứng đầu trong các thuyết về Tam Hoàng Ngũ Đế của lịch sử Trung Quốc. Ông cũng là người đã nhận được khai thị của Thần để cho ra đời Tiên Thiên Bát Quái, cùng với Hậu thiên Bát Quái ra đời vào thời Chu Văn Vương đã tạo thành Kinh Dịch, là cuốn sách triết học, trị quốc, xứ thế và tu luyện quan trọng bậc nhất của Trung Hoa.
Trong văn hóa Trung Hoa, ông là một hình tượng lớn và nổi tiếng hàng đầu vì người Trung Hoa cho rằng Phục Hy là người sáng lập của văn minh Trung Hoa. Về hình dạng, ông thường được mô tả là thân rồng đầu người, hoặc thân rắn đầu người, nhân thế được người đời sau xưng là Long tổ (龍祖).
Các vị tổ đầu tiên có mang dòng máu Rồng và là Rồng chuyển sinh là một đặc điểm nổi bật của nền văn minh Thần truyền của cả Trung Hoa và Việt Nam.
Thần Nông: (phồn thể: 神農, giản thể: 神农) (3220 TCN—3080 TCN), ông còn được gọi là Thần Nông thị (神農氏), Khôi Ngôi thị (魁隗氏), Liên Sơn thị (連山氏), Liệt Sơn thị (列山氏), Tắc thần (稷神), thường được biết với tên gọi Viêm Đế (炎帝). Ông là vị thánh nhân cai trị Trung Hoa trong thời cổ đại, cùng với Hoàng Đế và Phục Hy, ngài được coi là vị Tổ của nền văn minh Hoa Hạ, đặc biệt là nông nghiệp và y dược. Ông có cháu ba đời là Đế Minh, tuần du phương Nam kết hôn với Vụ Tiên ở Động Đình Hồ mà sinh ra Kinh Dương Vương, sau làm tổ của dân tộc Kinh nước Việt. Do đó Thần Nông cũng có thể coi là viễn tổ của dân Việt.
Hoàng Đế: còn gọi là Hiên Viên Hoàng Đế (軒轅黃帝), là một vị quân chủ thánh nhân của Văn minh Trung Hoa, được coi là thủy tổ của mọi người Hán. Chữ Hoàng (黃) ở đây hàm nghĩa sắc vàng, là màu biểu trưng cho hành Thổ. Hiểu nôm na “Hoàng Đế” là “Vua Vàng”, khác với Hoàng (皇) trong Hoàng đế, là danh xưng của các quân chủ kể từ thời nhà Tần. Người Trung Hoa hay xưng bản thân là “con cháu Viêm Hoàng”. Ông có công khai sáng nền văn minh, đánh bại thủ lĩnh Xuy Vưu đem lại hòa bình cho đất Trung Quốc, lên ngôi định ra chế độ và các loại chính sách, sách vở, phát minh có thể coi là nền tảng quan trọng nhất cho nền văn minh Trung Hoa. Ông cũng là một người tu luyện đắc Đạo thành tiên và đã “bạch nhật phi thăng” lên trời ngay trước mặt văn võ bá quan.